Hafuni - Rèm Cửa - Nội Thất Tổng Hợp - Phục Vụ Trong Yêu Thương

Góc Tư Vấn

Hướng Dẫn Cách Lắp Đặt Rèm Cửa 2 Lớp Đúng Cách

Hướng Dẫn Cách Lắp Đặt Rèm Cửa 2 Lớp Đúng Cách

 

Rèm Cửa 2 Lớp Của HAFUNI

 

Trong bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn cách tỉ mỉ để khách hàng hình dung và hoàn toàn có thể tự tính toán để treo được bộ rèm hai lớp mà không cần phải đến thợ treo rèm cửa chuyên nghiệp. Nếu các bạn còn thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, vui lòng cứ gọi trực tiếp cho bộ phận kỹ thuật của công ty chúng tôi, qua số hotline 0909 334 878 hoặc 09 62 63 75 88, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho bạn qua điện thoại hoặc trực tiếp tại nhà một cách hoàn toàn miễn phí. Yên tâm nhé, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho bạn.

Rèm Vải  Hai Lớp Đẹp Và Giá Tốt

 

Trường hợp 1: Lắp lọt bên trong hộc thạch cao âm trần.

Lắp Rèm Lọt Lòng Hộc Thạch Cao

 

Thông thường, khi thiết kế căn nhà, các kỹ sư sẽ thiết kế phần hộc để che cây treo rèm, có thể là cây tròn, hoặc cây ray định vị và ray xếp ly. 

Tuy nhiên cho dù là loại cây nào đi nữa, vẫn cần phải chừa hộc thạch cao để có khe treo bộ rèm. 

Đối với nhà phố hiện đại, hoặc các căn hộ chung cư hiện đại hiện nay, việc để hộc thạch cao treo rèm là điều rất phổ biến, vì hộc thạch cao treo rèm sẽ giúp giấu các cây treo phía bên trên, làm cho bạn không thể nhìn thấy cây treo, hoặc nếu ai để ý lắm thì mới có thể thấy được cây treo rèm. Không chỉ che cây treo rèm lọt phía trong, mà hộc thạch cao còn có thể che được ngay cả đầu của các bộ rèm, với những phần rườm rà không cần thiết, giúp cho không gian được tối giản và gọn gàng, hiện đại, thanh lịch hơn rất nhiều.

Lắp Rèm Lọt Lòng Hộc Thạch Cao

 

Vậy cần để phần hộc thạch cao rộng và sâu bao nhiêu mới có thể đủ để treo bộ rèm? 

 

Chúng tôi chia ra các loại rèm, để quý khách có thể xem xét và lựa chọn nhé:

1. Rèm Vải Đục Lỗ Và Rèm Voan Xếp Ly:

- Đối với rèm 2 lớp, lớp vải may đục lỗ và lớp voan may kiểu xếp ly, các bạn để hộc rèm có chiều rộng tốt nhất là 25cm, tối thiểu là 20cm khi đã hoàn thiện nhé. Trường hợp các bạn để hộc thạch cao quá nhỏ, thì không thể nào lắp được 2 lớp rèm đục lỗ luồn cây tròn và xếp ly đâu nhé.

- Thông thường khi may rèm, các công ty như chúng tôi sẽ chia các sóng rèm tối thiểu là 32 - 35 cm/ sóng rèm. Như vậy khi bạn kéo rèm gọn vào góc nhà, tấm rèm cũng đã chiếm khoảng 17cm chiều rộng của hộc thạch cao. Bên cạnh đó còn có một lớp rèm voan phía trong, cũng sẽ chiếm khoảng 5cm đối với rèm xếp ly. Ngoài hai lớp rèm đó, cũng cần phải có một khoảng hở nhỏ giữa hai lớp vải, để vải được phẳng. Không chỉ có thế, 2 lớp rèm cần phải tách biệt với thạch cao, để hạn chế tối đa việc phần đầu của rèm vải và rèm voan bị quẹt vào cạnh của hộc thạch cao, làm rách lớp rèm vải và lớp rèm voan. 

Rèm Vải Hai Lớp Lắp Lọt Trong Hộc Thach Cao

 

 

2. Rèm Vải May Định Vị Và Rèm Voan May Xếp Ly:

- Đối với rèm vải may định vị và rèm voan may xếp ly, tối thiểu cũng cần phải để chiều rộng của hộc rèm như trên, đó là tối thiểu phải là 25cm. Bởi vì lớp rèm chính sẽ chiếm chiều rộng của hộc từ 16cm đến 18cm, và lớp rèm xếp ly cần tối thiểu phải 5cm. Như vậy nếu chiều rộng của cả hai lớp rèm sẽ cần hơn 20cm, tuy nhiên chúng ta phải để rộng hơn thế, vì bộ rèm cần không gian, để đầu của bộ rèm không bị quẹt vào hộc thạch cao, như vậy sẽ không bị hư đầu của rèm.

 

Rèm Định Vị Và Xếp Ly

 

3. Rèm Vải Và Rèm Voan Đều May Xếp Ly

- Đối với rèm vải xếp ly và rèm voan cũng may kiểu xếp ly, chúng ta cần tối thiểu cho cả 2 lớp rèm là 15cm, lý tưởng nhất là 20cm. Như vậy mới có đủ không gian để có thể lắp được cả 2 lớp rèm, và như vậy đầu của bộ rèm không quẹt vào hộc thạch cao, như thế sẽ bền hơn.

- Điều đặc biệt lưu ý: Chúng ta không nên để hộc thạch cao có chiều rộng là 18cm cho 2 lớp rèm, như vậy sẽ không thể may rèm vải chính kiểu đục lỗ hoặc định vị và rèm voan kiểu xếp lý nhé.

- Đối với hộc thạch cao cho loại rèm sáo nhôm, rèm sáo cuốn văn phòng, rèm sáo lá dọc văn phòng, rèm sáo gỗ...: Cần phải để hộc thạch cao rộng tối thiểu là 13cm đến 15cm. Vì chiều rộng của thanh treo rèm khoảng 10cm, chính vì vậy cần phải có chiều rộng hộc thạch cao lớn hơn, như vậy mới có thể đủ không gian để lắp bộ rèm.

Rèm Xếp Ly Hai Lớp

 

Vậy Còn Chiều Sâu Của Hộc Thạch Cao?

Đối với chiều sâu của hộc thạch cao, lý tưởng nhất cho tất cả các loại rèm đó là hộc thạch cao có chiều sâu từ 12 đến 14cm, chúng ta cần phải để chiều sâu của hộc thạch cao như thế, thì mới có thể che được hết các đầu rèm. Như vậy khi đứng từ bên ngoài, khách sẽ không nhìn thấy cây treo hoặc các bộ phận treo rèm.

Nếu chúng ta lắp rèm vải may đục lỗ, và rèm voan may xếp ly, thì chúng ta cần phải lắp các trụ treo của rèm vải là các móc trần, chỉ có móc trần mới có thể móc ngược lên trần và treo cây tròn của rèm được. Trường hợp nếu bộ rèm trên 1.5m ngang, chúng ta cần phải có ít nhất 3 móc trần, bắt thẳng vào trần thạch cao. 

Hộc Thạch Cao Treo Rèm 2 Lớp

Có thể chúng ta dùng vít thạch cao (nhiều người còn gọi là vít bướm), để có thể cố định một cách chắc chắn trên trần thạch cao. Thông thường nhiều khách hàng lo sợ khi treo rèm trên trần thạch cao sẽ làm hư hại tới chất lượng của trần thạch cao. Nhưng hãy yên tâm nhé, vì trần thạch cao nguyên khối, thông thường được thi công một cách rất chắc chắn, có thể chịu trọng lực lên đến 30kg, vì thế, với các bộ rèm, thông thường khả năng chịu lực của trần thạch cao vẫn ổn, bạn không phải lo lắng quá nhiều. Bạn sẽ thắc mắc là bộ rèm cũng rất nặng, không chỉ mình bộ rèm mà còn có cả cây treo, và các phụ kiện. Như thế thì làm sao trần thạch cao có thể chịu được, phải không nè? Bạn hãy yên tâm nhé, vì trần thạch cao có các sợi dây được bắt lên trần bê tông hoặc xà của mái nhà, nên thông thường rất chắc chắn. Hơn nữa bộ rèm không nằm tập trung một góc, mà trọng lượng của bộ rèm sẽ được chia đều ra các điểm trụ treo rèm. Chính vì vậy trọng lực đã được chia nhỏ khá nhiều, và vì thế sẽ không dồn sức nặng vào một điểm, điều này làm cho trần thạch cao nhà bạn hoàn toàn có thể chịu được bộ rèm bạn nhé.

Đối với rèm xếp ly, hoặc rèm định vị cũng thế, bạn cần dùng các bát treo trần, và dùng vít thạch cao (vít bướm) để bắt cố định thanh treo ray xếp ly hoặc ray định vị trên trần, và sau đó bạn hoàn toàn có thể yên tâm để treo bộ rèm định vị hoặc rèm xếp ly lên trần nhà.

Rèm Vải Hai Lớp Lắp Lọt Trong Hộc Thach Cao

Chiều Sâu Của Hộc Thạch Cao Có Thể Che Được Đầu Rèm Và Cây Treo Rèm

 

Số lượng bát treo và móc treo lên trần nhà:

Đối với lớp rèm chính may theo kiểu đục lỗ luồn cây tròn (loại rèm orê), khi bạn treo lên trần nhà cần phải có tối thiểu là 2 móc trần, trường hợp nếu bộ rèm lớn trên 1.5m và được tách thành 2 tấm, bạn nên lắp 3 móc ngược trần, như thế sẽ đảm bảo độ bền và bộ rèm cũng như thanh treo không bị cong vênh hoặc bị rớt xuống.

Đối với loại thanh treo xếp ly hoặc định vị, thông thường khoảng cách an toàn là 50cm, chúng ta sẽ lắp một bát treo vào trần hoặc có thể là vào tường (tốt hơn nhất là vào trần thạch cao), như thế sẽ đảm bảo được độ bền và tính thẩm mỹ.

Bát Treo Trần Nhà Của Cây Tròn

 

Trường hợp 2: Lắp Lên Trần Thạch Cao Nhưng Không Có Hộc Thạch Cao:

Trường hợp có trần thạch cao, nhưng đối với các căn nhà được xây dựng cách nay khoảng 5 năm trở lên, sẽ không có hộc thạch cao. Như vậy chúng ta vẫn có thể lắp trực tiếp bộ rèm lên trần thạnh cao (kể cả thạch cao nguyên khối và thạch cao tấm vuông (thường thấy ở các căn nhà cấp 4 hoặc nhà cũ) đều có thể lắp được, nên bạn yên tâm nhé, chúng ta vẫn có thể lắp được rèm 2 lớp, như vậy chúng ta có thể lắp thẳng lên trần, hoặc có thể lắp vào tường đối với lớp rèm bên trong.

Bát Treo Trần Nhà Của Cây Tròn

 

- Đối với trường hợp bắt bát treo trên trần thạch, chúng ta cần lưu ý: 

Bước 1: Bắt bát treo thanh treo rèm voan trắng trước, (vì lớp này bên trong). khoảng cách từ tường đến thanh treo là 4cm, để tấm rèm không bị va quẹt vào tường mỗi khi kéo ra kéo vào. 

Bước 2: Chúng ta khoan thanh treo rèm chính (lớp rèm cản nắng) lên trần. Nếu bạn may lớp rèm chính theo kiểu đục lỗ orê, bạn cần phải lắp móc ngược trần lên trên, bạn cũng có thể lắp 2 hoặc 3 trụ ngược trần giống như bạn đã đọc phần lắp ngược trần trong hộc thạch cao. Nếu trường hợp lắp trần thạch cao tấm, chắc chắn sẽ khó khăn hơn lắp trên thạch cao nguyên khối, tuy nhiên nếu bạn khéo léo, bạn vẫn có thể lắp một cách dễ dàng và đảm bảo vẫn có thể lắp bình thường. Chắc chắn là bạn cần phải dùng đến vít thạch cao (vít bướm) để treo ngược trần, như vậy mới có thể treo rèm một cách tốt nhất.

Thanh Rèm Xếp Ly Treo Trần

 

Nếu bạn may rèm voan mỏng phía trong theo kiểu xếp ly, và lớp rèm chính may theo kiểu định vị, hoặc xếp ly, bạn cũng cần phải lắp thanh ray giống như bộ thanh ray phía trong. Khoảng cách từ thanh treo rèm bên trong (lớp voan trắng) tới thanh treo rèm bên ngoài là 14cm, hay nói cách khác, khoảng cách từ tường ra thanh bên ngoài, thanh treo rèm vải chính là 18cm. Như vậy 2 bộ rèm không bị cọ sát vào nhau mỗi khi kéo, và khoảng cách sẽ rất đều.

Thanh Rèm Xếp Ly Treo Trần

 

Trường Hợp 3: Một Cây Treo Tường, Một Cây Treo Trần

Đối Với Trường Hợp Cây Ray Lớp Rèm Bên Trong Treo Tường, Và Cây Tròn (Hoặc Cây Ray Lớp Rèm Chính) Treo Trên Trần: 

Trong trường hợp này, chúng ta cần phải khoan để bắt vít cây ray cho lớp voan mỏng vào tường, khoảng cách an toàn cũng khoảng 50cm cho mỗi bát gắn tường, như thế sẽ giúp cây ray ổn định và vững chắc, không bị rơi rớt trong quá trình sử dụng. Còn lớp rèm chính, đối với cây tròn, hoặc cây ray đều đo khoảng cách từ tường ra 16 - 18cm, như vậy đảm bảo 2 lớp rèm sẽ không bị sát vào nhau mỗi khi bạn kéo rèm. Nếu bạn lắp cây treo lớp rèm chính bằng cây ray, bạn cũng cần phải tuân thủ theo khoảng cách 50cm một bát treo. Trong khi đó, nếu bạn treo cây tròn, bạn cần phải dùng 2 đến 3 trụ đỡ móc trần, như thế mới đảm bảo độ bền và sự chắc chắn của bộ rèm.

Trường Hợp 4: Treo Cả Hai Lớp Rèm Vào Tường

Đối với trường hợp bắt bát treo vào tường, chúng ta làm như sau:

+ Chúng ta cần dùng bát đôi dài 16cm, hoặc bát đôi dài 20cm. Trên bát đôi này, sẽ có 2 lỗ để chúng ta gác cả 2 thanh treo. Thanh treo bên trong là thanh treo cây ray nhỏ, dùng cho rèm voan xếp ly, thanh treo bên ngoài là thanh treo cây tròn, dùng cho lớp vải chính. Một số trường hợp theo kiểu may cũ, bạn cũng có thể dùng cách này để treo cả 2 cây tròn vào cùng 1 bát, tuy nhiên bạn cần phải may rèm voan theo kiểu xếp ly, còn lớp rèm chính theo kiểu đục lỗ orê.

+ Đối với cách treo này, công việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều, các bạn chỉ cần khoan lỗ và như vậy sẵn gác cây treo rèm lên, và treo thư rèm thông thường.

Thanh Treo Rèm Bát Đôi Gắn Vào Tường

 

+ Điều cần lưu ý đó là: Khoảng cách từ trần xuống tới lỗ vít đầu tiên ít nhất là 3cm, sau đó chúng ta khoan lỗ vít đầu tiên, lỗ thứ 2 thì theo vị trí trong bát treo, chúng ta lấy dấu và khoan lùi xuống như bình thường.

+ Khi đã treo bát lên đầy đủ, thì chúng ta gác cây lên, và bắt vít cố định cây, để khi treo rèm lên, bộ rèm không bị chạy

Với các loại rèm có chiều ngang từ 1,5m trở lên, chúng ta cần làm 3 bát treo, để có thể giữ cho bộ thanh treo rèm không bị hư hoặc bị gãy, đối với chiều ngang dưới 1,5m, chúng ta chỉ cần treo 2 bát treo, như vậy là đủ để có thể treo bộ rèm cách an toàn, và không bị hư cây treo.

 

 

Trường Hợp 5: 

Trường hợp các bạn chỉ cần lắp phủ bì khung cửa, cửa sổ hoặc cửa đi, thì chúng ta chỉ cần dùng bát treo như bình thường (trường hợp 4)

- Cách đo và lắp phủ bì rèm cửa 2 lớp: Khi lắp phủ bì rèm cửa sổ 2 lớp, chúng ta cần đo phủ bì như sau: 

+ Đối với cửa đi, chiều ngang mỗi bên chúng ta đo và cộng thêm 20cm, như vậy là 2 bên, chúng ta cộng thêm 40cm. Ví dụ: Ngang cửa đi là 100cm, thì bạn cần phải làm rèm rộng 140cm. Chiều cao cửa đi, bạn cần phải cộng thêm 20cm phía bên trên. Tuy nhiên bạn phải trừ cách đất 3cm, như thế bộ rèm không bị quét xuống sàn. Ví dụ, chiều cao cửa là 200cm, bạn cần phải đo lên trên 20cm và trừ 3cm phía dưới, như thế bộ rèm phải làm với chiều cao là 227cm.

+ Đối với cửa sổ: Bạn chỉ cần cộng đều 4 chiều của cửa, mỗi chiều bạn cộng thêm 20cm, như vậy là đủ để có thể lắp vào được. Ví dụ: bộ cửa cần lắp phủ bì có chiều rộng là 1,6m và cao là 2m, vậy chúng ta sẽ có chiều ngang phủ bì là 2m và chiều cao phủ bì là 2,4m. Nếu các bạn làm đúng theo những gì mình hướng dẫn, chắc chắn bộ rèm sẽ rất đẹp.

Thanh Treo Rèm Bát Đôi Gắn Vào Tường

 

Cách Trừ Chiều Cao Rèm Cho Hợp Lý

 

Điều đặc biệt lưu ý với các bạn, đó là nếu các bạn lắp rèm chính và rèm voan luôn luôn phải tính toán chiều cao cho hợp lý.

Phần bên dưới mình sẽ hướng dẫn cách chi tiết để các bạn biết tự đo và tự trừ chiều cao cho chính xác, tránh tình trạng may quá dài, hoặc quá ngắn. 

Công thức tính các trường hợp lắp rèm như sau:

Trường hợp 1: Đục lỗ orê và xếp ly lắp trên trần hoặc trên hộc thach cao

- Lớp rèm chính là rèm vải đục lỗ orê, lớp rèm voan là lớp rèm xếp ly: Thông thường, bạn cần phải trừ 4cm chiều cao đối với rèm chính, và 7cm đối với rèm voan xếp ly. Ví dụ, Nếu chiều cao từ trần tới sàn (hoặc đỉnh của hộc thạch cao) là 280cm, bạn cần phải may bộ rèm chính chiều cao là 276cm và chiều cao lớp rèm voan xếp ly là 273cm. Như vậy đảm bảo bộ rèm cách đất một khoảng nhỏ đủ để che kín ánh sáng, và rèm vẫn không quét đất.

Rèm Cửa Hai Lớp Đẹp

 

Trường hợp 2: Định vị và xếp ly lắp trên trần hoặc trên hộc thạch cao

- Lớp rèm chính may kiểu định vị, và lớp rèm voan may kiểu xếp ly: Thông thường, bạn phải trừ 6cm chiều cao đối với lớp rèm chính, và 7cm đối với rèm xếp ly. Ví dụ, chiều cao từ trần tới sàn là 265cm, thì bạn cần phải may rèm chính kiểu định vị có chiều cao là 259cm, và rèm voan xếp ly đương nhiên sẽ là 258cm.

Trường hợp 3: Lắp rèm đục lỗ orê và xếp ly bằng bát treo tường.

- Khi lắp rèm 2 lớp bằng bát đôi 16 hoặc 18, bạn cần phải lưu ý trừ chiều cao để bộ rèm bên trong không bị dài hơn rèm bên ngoài. Thông thường, khi lắp rèm bát 2, bạn căn cứ vào chiều cao của lớp rèm chính, để có chiều cao của lớp rèm voan. Ví dụ, bạn muốn may bộ rèm chính có chiều cao là 275cm, thì bạn cần phải trừ chiều cao của lớp rèm voan lên 7cm so với rèm cửa chính. Nghĩa là bạn phải may lớp voan có chiều cao là 268cm, như thế khi treo lên, bộ rèm bên trong sẽ không bị dài hơn bộ rèm bên ngoài. 

Đăng ký nhận mã giảm giá 10% cho tất cả mặt hàng

0909 334 878
G-KSLVD9WJQS Follow @PhamHuanHAFUNI